(HQ Online)- Ngày 30-7, Việt Nam chính thức đón nhận bằng di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO. Đây là nguồn sử liệu quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
![]() Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao Bằng công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản thế giới. Ảnh: Q.Tấn. Năm 2013 hàng loạt hoạt động học thuật chuyên sâu như tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức nhằm xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận khối tài liệu hành chính duy nhất còn lại của các vương chiều phong kiến trong lịch sử nước ta trở thành di sản tư liệu thế giới. Các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Châu bản triều Nguyễn như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm bảo tồn tích cố đô Huế và một số nghiên cứu sinh của Việt Nam tại nước ngoài đã cùng nỗ lực với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chứng minh tính xác thực, độc đáo, duy nhất, giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực cũng như quốc tế. Vào ngày 14-5-2014, tại phiên họp thứ 2, hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014. Như vậy, Châu bản chiều Nguyễn trở thành di sản thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn năm 2009; 82 bia đá các khoa thi Tiến sỹ tại triều Lê và Mạc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám năm 2010; Mộc kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang năm 2012. Việc ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu đồng nghĩa với việc Châu bản triều Nguyễn sẽ có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng vốn có của nó, nhất là cho công tác nghiên cứu lịch sử. Bởi lẽ, thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, các di sản tư liệu sẽ có nhiều cơ hội để phát huy giá trị và ngày càng gần hơn với công chúng, xã hội. Đặc biệt với giá trị nội dung và giá trị pháp lý, Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc đặc biệt quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, cương giới và lãnh thổ Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn góp phần trong việc thông tin và làm căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền và giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay. Hiện nay, Châu bản truyền Nguyễn đang được lưu trữ gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn. Khối tài liệu được viết tay trên giấy đỏ bằng bút lông, được Nhà vua phê duyệt bằng mực màu son đỏ, sau đó được sao lại bằng mực đen lên 2 bản để chuyển cho cơ quan thực thi và cơ quan viết sử của triều đình. Những tài liệu này có giá trị cao phục vụ nghiên cứu toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của Việt Nam giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Tại lễ đón nhận Bằng di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, các nhà khoa học, nghiên cứ trong nước và quốc tế đã đặt ra 2 vấn đề bao gồm: làm thế nào để truyền tải, đưa giá trị của Châu bản triều Nguyễn đến với công chúng và biện pháp để bảo vệ, phát huy giá trị di sản này. |